Sở Tư Pháp tỉnh Phú Yên
Một số điểm mới nổi bật của Luật trợ giúp pháp lý năm 2017

Chuyên mục: Bổ trợ tư pháp | Đăng ngày: 15/10/2018

MỘT SỐ ĐIỂM MỚI NỔI BẬT CỦA LUẬT TRỢ GIÚP PHÁP LÝ NĂM 2017

_________

             Luật Trợ giúp pháp lý (TGPL) lần đầu tiên được Quốc hội ban hành vào năm 2006 và qua 10 năm triển khai đã đạt được những thành quả đáng kể trong việc cung cấp dịch vụ trợ giúp pháp lý miễn phí cho người nghèo, đối tượng chính sách và các đối tượng yếu thế. Tuy nhiên, đứng trước yêu cầu phát triển mới của đất nước, Luật TGPL năm 2017 ra đời đã đánh dấu mốc quan trọng trong việc hoàn thiện thể chế công tác TGPL nói riêng và triển khai Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân nói chung. Xin giới thiệu đến quý đọc giả một số điểm mới nổi bật của Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 như sau:

1. Luật TGPL số 11/2017/QH14 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018 và thay thế Luật Trợ giúp pháp lý số 69/2006/QH11. Luật TGPL được bố cục thành 8 chương, 48 điều quy định về người được TGPL, tổ chức thực hiện TGPL, người thực hiện TGPL, hoạt động TGPL và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với hoạt động TGPL.

2. Luật đã khẳng định rõ nét hơn trách nhiệm của Nhà nước trong công tác TGPL. Tại khoản 1 Điều 4 đã khẳng định một lần nữa "TGPL là trách nhiệm của Nhà nước”, có sự phân biệt với dịch vụ pháp lý thiện nguyện của các tổ chức xã hội khác.

3. So với Luật TGPL năm 2006 chỉ quy định 06 diện người được TGPL thì tại Điều 7 của Luật TGPL năm 2017 đã mở rộng với 14 diện người được TGPL theo các nguyên tắc, tiêu chí phù hợp với điều kiện đặc thù của đất nước, cụ thể như sau:

- Nhóm người được kế thừa hoàn toàn từ Luật TGPL năm 2006 gồm 02 diện là: (1) Người có công với cách mạng (khoản 1); (2) Người thuộc hộ nghèo (khoản 2).

- Nhóm người được kế thừa và mở rộng từ Luật TGPL năm 2006 gồm 02 diện là: (1) Trẻ em (khoản 3, được mở rộng từ trẻ em không nơi nương tựa); (2) Người dân tộc thiểu số cư trú tại các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (khoản 4, được mở rộng từ người dân tộc thiểu số thường trú tại các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn).

- Nhóm người được bổ sung mới gồm 02 diện là: (1) Người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi (khoản 5, hiện nay đang thuộc trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng phải chỉ định người bào chữa theo quy định Bộ luật Tố tụng hình sự); (2) Người bị buộc tội thuộc hộ cận nghèo.

- Nhóm người áp dụng điều kiện có khó khăn về tài chính đối với 08 diện tại khoản 6 là: (1) Cha đẻ, mẹ đẻ, vợ, chồng, con của liệt sĩ và người có công nuôi dưỡng khi liệt sĩ còn nhỏ; (2) người nhiễm chất độc da cam; (3) người cao tuổi; (4) người khuyết tật; (5) người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là bị hại trong vụ án hình sự; (6) nạn nhân trong vụ việc bạo lực gia đình; (7) nạn nhân của hành vi mua bán người theo quy định của Luật Phòng, chống mua bán người; (8) người nhiễm HIV để cung cấp cho những người thực sự có nhu cầu nhưng không có khả năng tài chính để thuê dịch vụ pháp lý. Điều kiện khó khăn về tài chính sẽ được quy định tại Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết Luật TGPL. Như vậy, đối với nhóm người này phải đáp ứng hai điều kiện: Có khó khăn về tài chính theo hướng dẫn của Chính phủ và thuộc một trong tám diện người nêu trên.

4. Nâng cao chất lượng dịch vụ và chuyên nghiệp hóa hoạt động TGPL thông qua việc chuẩn hóa đội ngũ người thực hiện TGPL, quy định tiêu chuẩn tham gia thực hiện TGPL đối với tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật và quản lý chất lượng vụ việc TGPL, cụ thể:

a) Về người thực hiện TGPL

Theo quy định tại khoản 1 Điều 17 người thực hiện TGPL bao gồm 04 nhóm chủ thể như sau: (1) Trợ giúp viên pháp lý, (2) luật sư thực hiện TGPL theo hợp đồng với Trung tâm TGPL nhà nước và theo phân công của tổ chức tham gia TGPL; tư vấn viên pháp luật có 02 năm kinh nghiệm tư vấn pháp luật trở lên làm việc tại tổ chức tham gia; (4) cộng tác viên TGPL.

b) Về tổ chức tham gia TGPL

Luật huy động các tổ chức tham gia TGPL bao gồm tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật ký kết hợp đồng thực hiện TGPL với Sở Tư pháp thực hiện bằng nguồn kinh phí nhà nước hoặc đăng ký tham gia TGPL bằng nguồn lực của chính tổ chức đó.

c) Quản lý chất lượng vụ việc TGPL

Luật TGPL năm 2017 đặt ra yêu cầu đối với việc nâng cao quản lý chất lượng vụ việc TGPL thông qua quy định hồ sơ điện tử của từng vụ việc TGPL được số hóa, cập nhật vào hệ thống quản lý vụ việc TGPL và lưu trữ tại cơ sở dữ liệu về TGPL (Điều 39). Bên cạnh đó, Luật cũng giao Bộ Tư pháp có nhiệm vụ tổ chức việc thẩm định, đánh giá chất lượng vụ việc TGPL (khoản 2 Điều 42).

5. Tập trung thực hiện vụ việc TGPL theo đúng bản chất của hoạt động TGPL. Khoản 2 Điều 27 Luật TGPL năm 2017 quy định 03 hình thức TGPL bao gồm: tham gia tố tụng, tư vấn pháp luật và đại diện ngoài tố tụng (mà không quy định “các hình thức TGPL khác”) nhằm của các hình thức TGPL bảo đảm hoạt động đúng trọng tâm, bản chất.

Ngoài ra, Luật cũng đặt ra yêu cầu đối với đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý là viên chức nhà nước tập trung thực hiện vụ việc tố tụng thông qua quy định Trợ giúp viên pháp lý không thực hiện vụ việc tham gia tố tụng trong thời gian 02 năm liên tục sẽ bị miễn nhiệm, trừ trường hợp do nguyên nhân khách quan (Điểm d khoản 1 Điều 22).

6. Luật TGPL năm 2017 đã bổ sung nhiều quy định mới nhằm tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận và sử dụng dịch vụ, ứng dụng công nghệ thông tin, qua đó tăng cường cơ chế bảo đảm quyền được TGPL, như: quy định phải công bố danh sách người thực hiện TGPL, tổ chức thực hiện TGPL để người dân biết và thực hiện quyền lựa chọn của mình (khoản 2 Điều 10 và khoản 2 Điều 17); ngoài hình thức nộp đơn trực tiếp, gửi qua đường bưu điện, người dân có thể nộp đơn yêu cầu qua hình thức điện tử, fax để tiết kiệm thời gian và chi phí đi lại (điểm b và điểm c khoản 2 Điều 29); có thể yêu cầu TGPL thông qua người thân thích, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khác (khoản 2 Điều 8); thụ lý giải quyết ngay khi người yêu cầu chưa thể cung cấp hồ sơ theo quy định nhưng cần thực hiện TGPL ngay như vụ việc sắp hết thời hiệu, sắp đến ngày xét xử (khoản 4 Điều 30).

7. Nâng cao vai trò của Sở Tư pháp thông qua việc ký hợp đồng với các tổ chức tham gia thực hiện trợ giúp pháp lý (khoản 1 và khoản 2 Điều 14). Thông qua việc quản lý, đánh giá hoạt động của Trung tâm TGPL nhà nước và nắm bắt yêu cầu TGPL tại địa phương quyết định việc lựa chọn, ký hợp đồng thực hiện TGPL với các tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật có nguyện vọng, đáp ứng các điều kiện tối thiểu của Luật nhằm tăng cường khả năng đáp ứng nhu cầu TGPL, tránh việc bỏ sót người được TGPL khi họ cần giúp đỡ pháp lý.

8. Tăng cường cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức có liên quan đến hoạt động TGPL, đặc biệt quy định rõ hơn trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng, cụ thể:

a) Thông tư liên tịch số 11/2013/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC ngày 04/7/2013 hướng dẫn thực hiện một số quy định của pháp luật về TGPL trong hoạt động tố tụng đã quy định trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc phối hợp thực hiện TGPL, tạo điều kiện cho người thực hiện TGPL tham gia tố tụng theo quy định của pháp luật

b) Đối với các cơ quan nhà nước có liên quan, Luật quy định trong quá trình thực thi nhiệm vụ, quyền hạn của mình nếu phát hiện công dân thuộc diện được TGPL, cơ quan nhà nước có trách nhiệm giải thích quyền được TGPL và giới thiệu đến tổ chức thực hiện TGPL (Điều 42). Đối với tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư, tổ chức chủ quản của tổ chức tư vấn pháp luật sẽ phối hợp trong việc quản lý, giám sát việc thực hiện TGPL của luật sư, tư vấn viên pháp luật, tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật (Điều 43 và Điều 44).

9. Sắp xếp, tinh gọn các Chi nhánh của Trung tâm TGPL của Nhà nước nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, quy định chặt chẽ điều kiện thành lâp Chi nhánh.

Như vậy, với những điểm mới nêu trên, Luật TGPL tạo khuôn khổ pháp lý cho sự phát triển bền vững công tác TGPL theo hướng chuyên nghiệp, sử dụng hiệu quả các nguồn lực của Nhà nước và xã hội để cung cấp kịp thời dịch vụ pháp lý cho người yếu thế không có khả năng chi trả dịch vụ pháp lý và những người thuộc diện chính sách được TGPL, tạo bước chuyển biến căn bản trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ TGPL.

                                                                                                 Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Phú Yên

        


Các tin cùng chuyên mục:

Tiếp nhận phản ánh việc thực hiện Chỉ thị số 39-CT/TƯ ngày 15/12/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy

Giám đốc Sở: Hà Công Khánh
ĐT:02573841941
mail:hacongkhanh@phuyen.gov.vn
Văn phòng Sở 0905129955
mail:vp.stp@phuyen.gov.vn
Chánh Văn phòng Sở: Hồ Tấn Nguyên Bình ĐT:0905129955
Thanh tra Sở Nội vụ:ĐT 0257.3842733: Phòng Cải cách hành chính: ĐT:0257.3842954
  • Bài dự thi phóng sự về cải cách hành chính của Sở Tư pháp
  • Tổng kết 10 năm thực hiện Luật PBGDPL
  • Tuyên truyền viên pháp luật năm 2022
  • Phú Yên Đấu giá 3 mỏ cát, thu về hơn 2 300 tỷ đồng, cao gấp 280 lần giá khởi điểm
  • Lễ Trao Giải "Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu pháp luật năm 2022"

Thống kê truy cập