Sở Tư Pháp tỉnh Phú Yên
Thủ tục nhận cha mẹ con

Chuyên mục: Hỏi - Đáp | Đăng ngày: 29/06/2017

Thủ tục nhận cha mẹ con

Năm 1986, ông A và bà B chung sống với nhau như vợ chồng. Năm 1987 bà B sinh được một người con, khi đi làm Giấy khai sinh thì ông A khai họ tên ông vào phần khai về người cha trong Giấy khai sinh cháu C. Năm 1988, hai người không chung sống với nhau nữa, bà B nuôi cháu C. Năm 2015, ông A chết cháu C muốn làm lại Giấy khai sinh không công nhận ông A là cha đẻ, đồng thời muốn làm thủ tục nhận ông D là cha (vì trong thời gian ông A và bà B chung sống với nhau, bà B cũng qua lại với ông D, ông D và bà B đều khẳng định cháu C là con đẻ của ông D, khi còn sống ông A cũng thừa nhận cháu C không phải là con đẻ của mình vì ông A bị bệnh không có khả năng sinh con).
Xin hỏi, cháu A muốn làm thủ tục thay đổi họ thì làm như thế nào?

Gửi bởi: nguyễn duy linh

Trả lời có tính chất tham khảo

Theo thông tin bạn cung cấp, cán vấn đề cần giải quyết trong trường hợp này bao gồm: Xác định cha đẻ của cháu C theo quy định của pháp luật; cháu C có quyền làm thủ tục thay đổi họ không,nếu có thì thủ tục như thế nào?
Cháu C sinh năm 1987, để xác định cha đẻ của cháu C căn cứ vào Điều 30 Luật hôn nhân và gia đình năm 1986 quy định “Việc cha mẹ nhận con ngoài giá thú do Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi thường trú của người con công nhận và ghi vào sổ khai sinh”. Do ông A và bà B không có đăng ký kết hôn, nên cháu C được xác định là con ngoài giá thú. Như vây, việc ông A khai họ tên ông vào phần khai về người cha trong Giấy khai sinh cháu C và được Ủy ban nhân dân đồng ý cấp Giấy khai sinh cho cháu C thì được hiểu ông A là cha đẻ của cháu C.
Tuy nhiên do năm 2015, ông A chết, cháu C (lúc này đã 28 tuổi) có quyền nhận cha đẻ của mình theo quy định tại Khoản 1 Điều 90 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014. Để xác nhận ông D là cha đẻ của cháu C cần có chứng cứ chứng minh quan hệ cha con. Chứng cứ chứng minh quan hệ cha con gồm một trong các giấy tờ, tài liệu quy định tại Điều 11 Thông tư số 15/2015/TT-BTP ngày 16/11/2015 của Bộ Tư pháp, như sau:
- Văn bản của cơ quan y tế, cơ quan giám định hoặc cơ quan khác có thẩm quyền ở trong nước hoặc nước ngoài xác nhận quan hệ cha con.
- Trường hợp không có văn bản nêu trên thì phải có thư từ, phim ảnh, băng, đĩa, đồ dùng, vật dụng khác chứng minh mối quan hệ cha con, quan hệ mẹ con và văn bản cam đoan của cha, mẹ về việc trẻ em là con chung của hai người, có ít nhất hai người thân thích của cha, mẹ làm chứng.
Nếu cháu C có giấy tờ, tài liệu nêu trên chứng minh ông D là cha đẻ của mình thì có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền làm thủ tục xác nhận cha con và thay đổi họ của mình. Thủ tục quy định tại Điều 7, Điều 44 Luật hộ tịch năm 2014 và Điều 3 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điêu và biện pháp thi hành Luật hộ tịch như sau:
- Cơ quan có thẩm quyền giải quyết việc thay đổi họ cho cháu C: Ủy ban nhân dân cấp huyện.
- Hồ sơ yêu cầu xác nhận cha con và làm thủ tục thay đổi họ gồm những giấy tờ sau (Khoản 1 Điều 44 Luật hộ tịch năm 2014 và Điều 12 Thông tư số 15/2015/TT-BTP ngày 16/11/2015 của Bộ Tư pháp):
+ Tờ khai đăng ký nhận cha, mẹ, con (ban hành kèm theo Thông tư số 15/2015/TT-BTP ngày 16/11/2015 của Bộ Tư pháp);
+ Tờ khai đăng ký lại khai sinh (ban hành kèm theo Thông tư số 15/2015/TT-BTP ngày 16/11/2015 của Bộ Tư pháp);
+  Tờ khai đăng ký việc thay đổi, cải chính, bổ sung hộ tịch, xác định lại dân tộc (ban hành kèm theo Thông tư số 15/2015/TT-BTP ngày 16/11/2015 của Bộ Tư pháp);
+ Giấy tờ, tài liệu chứng minh quan hệ cha con.
- Cách thức nộp hồ sơ: Nộp trực tiếp tại cơ quan đăng ký hộ tịch của Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc gửi qua hệ thống bưu chính hoặc nộp hồ sơ theo hệ thống đăng ký hộ tịch trực tuyến (Điều 3 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP).
- Số lượng hồ sơ: 01 bộ
- Thời gian và cách thức giải quyết (Khoản 2, 3, 4 Luật hộ tịch năm 2014):
+ Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận đủ giấy tờ theo quy định, công chức làm công tác hộ tịch xác minh, niêm yết việc nhận cha, mẹ, con tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp huyện trong thời gian 07 ngày liên tục, đồng thời gửi văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thường trú của người được nhận là cha, mẹ, con niêm yết trong thời gian 07 ngày liên tục tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã.
+ Phòng Tư pháp báo cáo và đề xuất Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định việc đăng ký nhận cha, mẹ, con, nếu thấy đủ điều kiện thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện giải quyết.
+ Khi đăng ký nhận cha, mẹ, con các bên phải có mặt; công chức làm công tác hộ tịch ghi vào Sổ hộ tịch, cùng các bên ký vào Sổ hộ tịch. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện cấp trích lục cho các bên.
Cơ quan đăng ký hộ tịch từ chối giải quyết nếu hồ sơ chưa đầy đủ, hoàn thiện thì hướng dẫn người nộp hồ sơ bổ sung, hoàn thiện theo quy định mà người nộp hồ sơ không bổ sung đầy đủ, hoàn thiện hoặc hủy bỏ kết quả đăng ký hộ tịch, nếu có cơ sở xác định nội dung cam đoan, làm chứng không đúng sự thật (Điều 11 Thông tư số 15/2015/TT-BTP).

 

Trả lời bởi: Nguyễn Thị Quế


Các tin cùng chuyên mục:

Tiếp nhận phản ánh việc thực hiện Chỉ thị số 23-CT/TƯ ngày 03/06/2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy

Giám đốc Sở: Hà Công Khánh
ĐT:02573841941
mail:hacongkhanh@phuyen.gov.vn
Văn phòng Sở 0905129955
mail:vp.stp@phuyen.gov.vn
Chánh Văn phòng Sở: Hồ Tấn Nguyên Bình ĐT:0905129955
Thanh tra Sở Nội vụ:ĐT 0257.3842733: Phòng Cải cách hành chính: ĐT:0257.3842954
  • Tổng kết 10 năm thực hiện Luật PBGDPL
  • Tuyên truyền viên pháp luật năm 2022
  • Phú Yên Đấu giá 3 mỏ cát, thu về hơn 2 300 tỷ đồng, cao gấp 280 lần giá khởi điểm
  • Lễ Trao Giải "Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu pháp luật năm 2022"
  • Video tiếng Kinh“Làm gì để được Nhà nước bồi thường khi bị thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra”

Thống kê truy cập